Bệnh tim mạch là một bệnh rất phổ biến ở người già. Khi sức khỏe của cơ thể trở nên yếu hơn, chức năng tim giảm dần. Khi chúng ta già đi, các mạch máu thường không còn đàn hồi như khi chúng ta còn trẻ; Kết quả là, cơ tim phải co bóp nhiều hơn để cung cấp đủ chất dinh dưỡng và oxy cho các cơ quan khác. Điều này diễn ra lâu ngày sẽ làm tổn thương tim nhiều và gây suy tim. Chúng tôi đã liệt kê những nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng tránh bệnh tim mạch…
Bệnh tim mạch phổ biến ở người cao tuổi
Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh nhưng bệnh tim mạch là phổ biến nhất. Để phòng ngừa bệnh tim mạch, người cao tuổi cần tìm hiểu nguyên nhân; và cách phòng tránh bệnh để có một sức khỏe tốt nhất.
Ở người lớn tuổi, các mạch máu dần xơ cứng và giảm tính đàn hồi sẽ khiến tim làm việc nhiều hơn; tình trạng này nếu diễn ra trong thời gian dài sẽ làm cho cơ tim bị dày lên; gây ra các bệnh tim mạch ở người cao tuổi. Bệnh tim mạch gây ra nhiều bệnh lý khác nhau như tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy tim,… kéo theo nhiều bệnh nền làm cơ thể suy yếu, thậm chí là tử vong.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh tim mạch
Trong quá trình lão hóa, cấu trúc của tim bị biến đổi; có thể dẫn đến tình trạng rối loạn nhịp tim, tim đập quá nhanh, quá chậm hoặc không đều. Các van tim cũng bị thoái hóa, không còn thực hiện tốt chức năng dẫn đến các bệnh van tim. Tình trạng xơ vữa, biến đổi cấu trúc mạch máu; làm thành mạch dày lên còn lòng mạch hẹp lại, là nguyên nhân của đột quỵ. Thêm vào đó, mạch máu của người cao tuổi cũng giảm độ đàn hồi cần thiết; là một trong những cơ chế gây bệnh tăng huyết áp, đồng thời, buộc tim phải hoạt động nhiều hơn để bơm máu vào động mạch. Đó là những lý do khiến người cao tuổi dễ mắc các bệnh tim mạch.
Dấu hiệu nhận biết
Tình trạng suy tim biểu hiện mức độ nặng hay nhẹ tùy thuộc tốc độ suy tim nhanh hay chậm; nguyên nhân suy tim và tuổi của người bệnh.
Với bệnh suy tim mạn tính, bệnh nhân thường có những triệu chứng: Khó thở (thường là khó thở khi gắng sức, sau đó khó thở xuất hiện cả khi nghỉ ngơi. Có thể bị khó thở ban đêm phải ngồi dậy để thở); mệt mỏi (người bệnh suy tim dễ mệt khi làm việc và không gắng sức được); phù chân (thường nặng về buổi chiều và giảm nhẹ vào buổi sáng); ho khan (ho không có đờm kéo dài, ho nhiều khi nằm. Sau khi đã loại trừ các nguyên nhân của bệnh hô hấp cần phải nghĩ đến suy tim); tiểu đêm (bệnh nhân tiểu lượng nước tiểu nhiều, nhưng tiểu dễ, không tiểu dắt, buốt. Tình trạng tiểu đêm ở người cao tuổi cần phải loại trừ do tiền liệt tuyến lớn, suy thận, mất ngủ).
Đối với suy tim cấp, triệu chứng tương tự như bệnh suy tim mạn tính; tuy nhiên diễn biến đột ngột và tiến triển nặng nhanh, đột ngột khó thở, thở nhanh, hồi hộp; nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, đau ngực nếu suy tim cấp do nhồi máu cơ tim.
Phương pháp phòng ngừa bệnh suy tim
Điều chỉnh hoạt động sinh hoạt hằng ngày
Bỏ thuốc lá: trong thuốc lá chất nicotin làm co mạch máu; giảm oxy trong máu và tổn thương mạch máu khiến bệnh tim mạch tiển triển nặng hơn. Thuốc lá còn giảm lượng mỡ tốt nhưng lại tăng mỡ xấu, gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Khám sức khỏe định kỳ để tầm soát bệnh tim mạch, từ đó có những biện pháp chữa trị sớm và kịp thời. Kiểm soát huyết áp và bệnh tiểu đường: người cao tuổi cần duy trì mức huyết áp dưới 120/80 (mm Hg) và thường xuyên kiểm tra lượng đường trong máu, đồng thời giảm lượng cholesterol để phòng bệnh tim mạch.
Tránh căng thẳng và giận dữ: tâm lý căng thẳng chính là yếu tố dẫn đến bệnh xơ vữa động mạch, do đó, người cao tuổi cần phải thả lỏng tinh thần, sống vui vẻ cùng bạn bè, con cháu. Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe. Những nhóm bài tập thể dục tốt cho sức khỏe người cao tuổi là đi bộ, khiêu vũ, dưỡng sinh…. Trước khi bắt tay vào việc thực hiện một hình thức luyện tập mới, người cao tuổi cần hỏi ý kiến bác sĩ để chắc chắn bài tập đó phù hợp.
Có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng
Xây dựng một chế độ ăn với những thực phẩm ít chất béo và cholesterol, bổ sung chất xơ, chất khoáng. Người cao tuổi nên ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm nhiều chất xơ,…Ưu tiên ăn nhiều cá và hạn chế mỡ. Hạn chế sử dụng nhiều muối và đường. Hạn chế sử dụng rượu, bia. Uống đủ nước theo nhu cầu của cơ thể. Bổ sung thêm các sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt dễ hấp thu, giúp tăng sức đề kháng, hạn chế mệt mỏi, ăn ngủ ngon, đồng thời giúp giảm cholesterol, tốt cho hệ tim mạch và tạo hệ xương chắc khỏe.
Nguồn: Ksbtdanang.vn